phone messenger zalo

Thơ Bà Huyện Thanh Quan - tuyển tập những bài thơ hay nhất

Thiều Hoa » Blog » Thơ hay » Thơ Bà Huyện Thanh Quan - tuyển tập những bài thơ hay nhất
Theo dõi Thiều Hoa trên Thiều Hoa Google News
Cùng Thieuhoa chia sẻ tuyển tập thơ Bà Huyện Thanh Quan hay nhất sau đây để có thêm nhiều phút giây trải lòng thú vị bạn nhé !

Bà Huyện Thanh Quan là một nhà thơ nổi tiếng của nền văn học Việt Nam. Những tác phẩm của bà vô cùng đặc sắc, chuẩn mực nhưng cũng giàu nhạc điệu và hàm súc. Cùng Thieuhoa chia sẻ tuyển tập thơ Bà Huyện Thanh Quan hay nhất sau đây để có thêm nhiều phút giây trải lòng thú vị bạn nhé !

1. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Bà Huyện Thanh Quan

1.1 Tiểu sử cuộc đời

Bà Huyện Thanh Quan được biết đến là một nhà thơ nổi tiếng, thơ của bà thể hiện tài năng điêu luyện, chuẩn mực về niêm luật nhưng cũng hàm súc và giàu nhạc điệu, đầy chất nữ tính. Nữ nhà thơ Bà Huyện Thanh Quan sinh ra tại Hà Nội vào năm 1805, tên thật là Nguyễn Thị Hinh. Bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa. Cha của bà là thủ khoa năm 1783 là một cựu thần trong điều đình nhà Lê.

Từ nhỏ bà theo học danh sĩ Phạm Qúy Thích - một tiến sĩ đời nhà Lê và là bạn thân của đại thi hào Nguyễn Du. Bà kết hôn cùng với ông Lưu Nguyên Ôn, người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, làm Tri huyện Thanh Quan vào thời vua Nguyễn, bởi vậy bà được gọi theo chức vụ của chồng, từ đó bà có tên Bà Huyện Thanh Quan.

Bà nổi tiếng từ nhỏ là một người thông minh, lanh lợi và khi lớn lên nhờ vào tài trí của mình, bà đã từng được vua Tự Đức mời vào cung làm “Cung trung giáo tập” để dạy học cho các cung phi và công chúa.

Sau năm 1847 khi chồng bà mất thì bà cũng xin phép về quê nghỉ hưu và đưa bốn đứa con nhỏ từ Huế về sống tạo quê nội ở làng Nghi Tàm ở như vậy cho đến hết đời. Bà đã để lại 6 bài thơ viết bằng chữ Nôm, theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật cực kỳ nổi tiếng với tâm trạng của người phụ nữ, lồng ghép vào việc miêu tả phong cảnh hữu tình của đất nước như: “Qua Đèo Ngang, Thăng Long hoài cổ, Chùa Trấn Bắc,...”

Lịch sử không biết rõ thời gian chính xác lúc nào bà ra đi, nhưng theo một số tư liệu ghi chú là bà mất ở năm 1848. Mộ của bà sau khi mất được đặt ở bên bờ hồ Tây - Hà Nội, nhưng sau này vì chiến tranh, sóng gió đã làm sạt lở không còn tăm tích.

tho-ba-huyen-thanh-quan 0

Chân dung Bà Huyện Thanh Quan

1.2 Vì sao lại gọi là Bà Huyện Thanh Quan?

Bà được gọi là bà Huyện Thanh Quan vì bà thắm duyên với ông Lưu Nguyên Ôn (Lưu Nghi), người làng Nguyệt áng, huyện Thanh Trì, làm Tri huyện Thanh Quan (Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) thời vua Nguyễn, nên bà thường được gọi theo chức vụ của chồng là Bà Huyện Thanh Quan.

1.3 Sự nghiệp sáng tác

Tuy sáng tác không nhiều nhưng những tác phẩm của Bà Huyện Thanh Quan đều thể hiện sự tài tình trong cách chơi chữ, đối vần điệu đúng luật nhưng vẫn mang đủ nét nữ tính vào trong thơ ca và trên hết là tấm lòng nhớ thương nước, thương nhà đau đáu, khôn nguôi của người con đất Việt.

Có lẽ hồn thơ của bà không chỉ bắt nguồn từ cái nôi của gia đình có truyền thống khoa bảng mà trên chính chính tại mảnh đất quê hương của bà - nơi xưa đã từng là nơi công chúa Từ Hoa, con gái của vua Thần Tông nhà Lý vào thế kỷ XII lập trại dạy cung nữ trồng dâu nuôi tằm.

Các tác phẩm thơ ca bằng chữ Nôm của Bà Huyện Thanh Quan bao gồm:

  • Qua chùa Trấn Bắc
  • Qua Đèo Ngang
  • Chiều hôm nhớ nhà
  • Tức cảnh chiều thu
  • Cảnh đền Trấn Võ
  • Cảnh Hương sơn.

Trong các tác phẩm của bà, tác phẩm “Qua Đèo Ngang” là bài thơ được đưa vào sách giáo khoa và trở thành một bài thơ chữ Nôm mang nhiều tầng giá trị, vừa là bức tả cảnh thiên nhiên hùng vĩ, vừa là bức tranh tâm trạng của người phụ nữ trước thời cuộc nhiều sự thay đổi.

1.4 Phong cách nghệ thuật

Sáng tác bằng chữ Nôm và theo thể thơ Đường luật - thể thơ thường bị gò bỏ bởi niêm luật, gieo vần khiến cảm xúc thường được hạn chế, đôi khi lại quá nông không thể diễn tả được sức gợi của ngôn từ. Thế nhưng Bà Huyện Thanh Quan lại là một trong số ít nhà thơ có thể trung hòa được cả yếu tố luật, vần và cảm xúc trong một tác phẩm. Các tác phẩm của bà mang đặc trưng là sự pha trộn giữa nét cổ kính, vừa tạo được sự gần gũi, giản dị gắn liền với đời sống hàng ngày.

Bà Huyện Thanh Quan sinh ra và lớn lên trong thời cuộc đất nước có nhiều sự thay đổi, cũng chính vì thế mà tâm trạng và hồn thơ của bà mang đậm màu sắc thương nước, thương dân và hoài niệm về một quá khứ thanh bình không thể quay trở lại. Khi đọc các tác phẩm của bà, ta thấy rõ phong cách mượn cảnh tả tình, vừa có chút gì đó gần gũi vừa tạo cảm giác mênh mông, chất chứa đầy nỗi buồn của sự cô đơn, hiu quạnh. Do vậy người ta gọi bà là nhà thơ của sự hoài cổ.

Xuyên suốt các tác phẩm của mình, bà luôn thể hiện được tài năng thiên bẩm, một người có trí thức, tâm hồn thanh tao, một người phụ nữ sâu sắc mang trong mình những suy nghĩ cho đất nước, quê hương và gia đình. Bà là tấm gương về lòng trung hiếu, một người phụ nữ vì gia đình mà thế hệ sau chắc chắn phải học hỏi.

>>>>ĐỪNG BỎ LỠ: [TOP] 15 Bài thơ Hồ Xuân Hương hay và nổi tiếng nhất

2. Tuyển tập thơ Bà Huyện Thanh Quan hay nhất mọi thời đại

Cùng Thieuhoa chia sẻ tuyển tập thơ Bà Huyện Thanh Quan hay nhất sau đây để cảm nhận rõ hơn tài năng cũng như bút pháp nghệ thuật của nhà thơ lớn bạn nhé !

tho-ba-huyen-thanh-quan 1

Tuyển tập thơ Bà Huyện Thanh Quan hay nhất

Chiều Hôm Nhớ Nhà

Vàng toả non tây, bóng ác tà,
Đầm đầm ngọn cỏ, tuyết phun hoa.
Ngàn mai lác đác, chim về tổ,
Dặm liễu bâng khuâng, khách nhớ nhà
Còi mục thét trăng miền khoáng dã,
Chài ngư tung gió bãi bình sa.
Lòng quê một bước nhường ngao ngán,
Mấy kẻ tình chung có thấu là?

Thăng Long Thành Hoài Cổ

Tạo hoá gây chi cuộc hý trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn chau mặt với tang thương.
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

Qua Đèo Ngang

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông rợ mấy nhà.
Nhớ nước, đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà, mỏi miệng cái da da.
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Cảnh Hương Sơn

Đệ nhất nam thiên ấy cảnh này,
Thuyền nan đón khách máy chèo lay.
Hai bên quả núi lồng hương suối,
Bốn mặt hoa ngàn rủ bóng cây.
Cửa Phật lơ thơ tầng đá dãy,
Chùa tiên bát ngát khói hương bay.
“Nam vô” tiếng dậy thưa trần tục,
Non nước Bồng Lai mới thấy đây!

Chùa Trấn Bắc

Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu,
Khách đi qua đó chạnh niềm đau.
Mấy toà sen rớt mùi hương ngự,
Năm thức mây phong nếp áo chầu.
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn,
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau.
Người xưa, cảnh cũ, nào đâu tá?
Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu!

Tức Cảnh Chiều Thu

Thánh thót tàu tiêu mấy hạt mưa,
Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ.
Xanh om cổ thụ tròn xoe tán,
Trắng xoá tràng giang phẳng lặng tờ.
Bầu dốc giang sơn, say chấp rượu,
Túi lưng phong nguyệt, nặng vì thơ.
Cho hay cảnh cũng ưa người nhỉ,
Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ.

Buổi Chiều Lữ Thứ

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa lẩn trống đồn.
Gác mái, ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu sương sa khách bước dồn.
Kẻ chốn trang đài, người lữ thứ,
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?

Song Nữ Tế Tế Thái Thủy Văn

Trước sàng linh khóc mà than rằng:
Kỳ trăm năm chưa mãn, mẹ vội lên cõi Phật chẳng nhìn con,
Ơn chín chữ khôn đền, con tìm khắp dưới trời không thấy mẹ.

Mẹ lìa! Mẹ ơi!
… con, tình thảm thiết, sao đành,
Con nhớ mẹ, nỗi sau xưa, xiết kể

Duyên tác hợp, lạm nghe mười chín tuổi, rổ tần phồn từng theo dấu mẹ đi.
Mối sinh thành đã hầu bảy tám lần, sân chi diệp lại ví dòng Tạ thị.

Thúi từ nhân đà nức tiếng nghi gia,
Đường thanh lịch cũng đủ mùi thù thế.

Ngoài ba kỷ chưa vẹn nguyền giai lão, buồng hung từng gió tủi mưa sầu,
Năm mươi năm chưa trọn kiếp phù sinh, chồi liễu bỗng sương giăng nắng xế.
Ôi!
Lá rụng ngàn xuân,
Mây lồng đỉnh dãy.

Trên tiên cảnh chợt mách tin, thanh điểu rước cùng đi cho vẹn nghĩa tao khang,
Dưới trần hoàn dầu cưu dạ từ ô tìm đâu thấy để đền ơn non bể.

Núm đồng nghiêng, dễ cấm tiếng chuông rè,
Chùm quả nặng, khôn nâng cành lá ủ.

Song cũng biết một trai là có, nhưng đà mây bay hạc lánh, thừa điêu phải cậy tôn hàng,
Đã hay mười gái cũng là không, khôn biết quả mãn thuyền đầy, tương sự chỉ nhờ tay nữ tế.

Rày:
Nhân tiết hạ thiên,
Lâm tuần đoan ngọ.

Gọi là bát nước điển hương, lòng thành kính dãi bày trong ngu tế.

Cảnh Đền Trấn Võ

Êm ái chiều xuân tới Trấn đài
Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai
Ba hồi chiêu mộ, chuông gầm sóng
Một vũng tang thuơng, nước lộn trời
Bể ái ngàn trùng khôn tát cạn
Nguồn ân trăm trượng dễ khơi vơi
Nào nào cực lạc là đâu tá
Cực lạc là đây, chín rõ mười

Chơi Khán Đài

Êm ái chiều xuân tới Khán Đài,
Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai.
Bốn mùa triêu mộ, chuông gầm sóng,
Một vũng tang thương, nước lộn trời.
Bể ái ngàn trùng khôn tát cạn,
Nguồn ân trăm trượng dễ khơi vơi.
Nào là cực lạc là đâu tá?
Cực lạc là đây, chín rõ mười.

Vậy là các bạn vừa được tìm hiểu về tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Bà Huyện Thanh Quan cùng tuyển tập thơ Bà Huyện Thanh Quan "bất tử" cùng thời gian. Hi vọng, sau khi chia sẻ cùng bài viết bạn có thêm nhiều trải nghiệm khó quên. Cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng bài viết. Hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết sau !

>>>XEM THÊM: Thơ Đoàn Thị Điểm - những tác phẩm tiêu biểu của nữ sĩ tài hoa

Phương Thảo

Bạn có hài lòng bài viết này?

SẢN PHẨM LIÊN QUAN
BÀI VIẾT LIÊN QUAN