phone messenger zalo

Tuyển Tập thơ Đỗ Trung Lai hay nhất độc giả đón đợi

Thiều Hoa » Blog » Thơ hay » Tuyển Tập thơ Đỗ Trung Lai hay nhất độc giả đón đợi
Theo dõi Thiều Hoa trên Thiều Hoa Google News
Cùng Thieuhoa chia sẻ tuyển tập thơ Đỗ Trung Lai hay nhất sau đây để có thêm nhiều phút giây lắng lòng thú vị bạn nhé !

Nhà thơ Đỗ Trung Lai là tác giả của nhiều vần thơ hay, giàu truyền thống, mang nét trữ tình, tình cảm nhưng chứa đựng nhiều tâm sự, triết lý nhẹ nhàng, tự nhiên. Cùng Thieuhoa chia sẻ tuyển tập thơ Đỗ Trung Lai hay nhất sau đây để có thêm nhiều phút giây lắng lòng thú vị bạn nhé !

1. Đôi nét về tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Đỗ Trung Lai

1.1 Tiểu sử cuộc đời:

Đỗ Trung Lai sinh ngày 7/4/1950 tại xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, sống và làm việc tại Hà Nội. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1991. Tốt nghiệp khoa Vật lý, Trường ĐH Quốc gia Hà Nội, nhà thơ Đỗ Trung Lai từng làm giáo viên Trường Văn hoá quân đội, phóng viên rồi phó trưởng phòng báo Quân đội nhân dân cuối tuần. Ngoài làm thơ, làm báo, Đỗ Trung Lai còn vẽ tranh, có phòng thơ, làm báo.

tho-do-trung-lai 0

Chân dung nhà thơ Đỗ Trung Lai

1.2 Các tác phẩm đã xuất bản:

Tác phẩm đã xuất bản:
- Đêm sông Cầu (thơ, 1990)
- Anh em và những người khác (thơ, 1990)
- Đắng chát và ngọt ngào (thơ, in chung, 1991)
- Thơ và tranh (1998)
- Người chơi đàn nguyệt ở Hàng Châu (truyện và ký, 2000)
- Thời thơ ấu của chàng lau sậy (tiểu thuyết, 2008)
- Lý Bạch - Những bài Đường thi nổi…

2. Tuyển Tập thơ Đỗ Trung Lai hay nhất độc giả đón đợi

Đỗ Trung Lai là một nhà văn tài năng người Việt Nam. Ông đã viết nhiều tác phẩm độc đáo và được đánh giá cao về nghệ thuật viết. Sau đây Thieuhoa xin giới thiệu tuyển tập thơ Đỗ Trung Lai hay nhất độc giả đón đợi. Cùng chia sẻ bạn nhé !

MẸ

tho-do-trung-lai 1

Thơ Đỗ Trung Lai hay nhất

Lưng mẹ còng rồi
Cau thì vẫn thẳng
Cau - ngọn xanh rờn
Mẹ - đầu bạc trắng

Cau ngày càng cao
Mẹ ngày một thấp
Cau gần với giời
Mẹ thì gần đất!

Ngày con còn bé
Cau mẹ bổ tư
Giờ cau bổ tám
Mẹ còn ngại to!

Một miếng cau khô
Khô gầy như mẹ
Con nâng trên tay
Không cầm được lệ

Ngẩng hỏi giời vậy
- Sao mẹ ta già?
Không một lời đáp
Mây bay về xa.

Một nguyên lý tình yêu

Có một lần đang hát
Tôi chợt quên mất lời
Mà bạn ơi, dàn nhạc
Đang đà, vẫn cứ chơi!

Khắp người tôi khi ấy
Đầm đìa là mồ hôi
Nhưng lần này cũng vậy
Tình yêu lại cứu tôi

Tôi đem lời nàng nói
Những lần cùng buồn vui
Rồi lựa theo dàn nhạc
Mà ca nên thành lời

Tiếng vỗ tay như sấm
Tôi hát mãi không thôi
Cả dàn nhạc kiệt sức
Gục ngã đằng sau tôi

Khi chính tôi bất tỉnh
Phải cấp cứu bẩy người
(chỉ tính riêng khán giả)
Vì vỗ tay quá trời!

Có ai ngờ sau đó
Nàng không còn yêu tôi
Nàng bảo, lời nàng nói
Chỉ dành cho một người!

>>>ĐỪNG BỎ LỠ: Tuyển tập thơ Hoàng Trung Thông còn mãi với thời gian

Về Lạng Sơn, nhớ Lạng Sơn

Nước vẫn chảy dưới chân cầu như lụa
Gió vẫn dạo trên những vòm lá cũ
Rêu vẫn phủ trên những thành lũy cổ
Ai bảo rằng, nỗi nhớ sẽ dần nguôi?
Mưa tháng Hai vẫn rả rích rơi
Như ngọc lạnh xuống nửa đời đã biết
Tháng ngày xa, em cũng xa biền biệt
Anh về nơi em không đợi anh về
Đêm tháng Hai không một ánh sao khuya
Tóc năm cũ giờ lược nào đang chải?
Anh độc mộc giữa dòng đời hằng chảy
Lạng Sơn mùa này dạ hương đương hoa
Em bây giờ đã trong cửa người ta
Em hạnh phúc hay xót xa tình cũ
Em no ấm hay là em lam lũ
Anh trở về tìm những dấu chân xưa
Dấu chân xưa tung tăng chợ Kỳ Lừa
Hình dáng cũ mềm cả đường Cao Lộc
Anh nhớ hàm răng, mái tóc
Tiếng em cười thành di chỉ Mai Pha
Sông Kỳ Cùng năm ấy ta qua
Giờ nằm đó, đơn côi và mệt mỏi
Sông như anh, như anh ngày trở lại
Em đầu sông hay đang cuối sông này?
Gạo vào mùa, hoa đã lên cây
Nhoi nhói đỏ, dựng nên từng tháp lửa
Em nơi xa có khi nào tựa cửa
Ngóng mây về từ đỉnh Mẫu Sơn không?

Những bông tàn

Nếu có thể, xin em đừng trở lại
Hoa trong bình đã héo tự chiều qua
Hãy giúp anh quên đi, mãi mãi
Những bông tàn trong ký ức hai ta

Đã bao lần, âm thầm, anh cầu chúc
Em đẹp xinh, hạnh phúc, đủ đầy
Anh lấy đau riêng làm nhung lụa
Phủ lên ngày tươi đẹp thơ ngây

Giờ em lại. Bây giờ em mới lại!
Hồn thanh xuân em phung phí cả rồi
Anh cũng khác. Vâng! Anh giờ cũng khác
Đã có người anh đón để lên ngôi

Em nước mắt. Hai đứa cùng cay đắng
Hai đứa cùng đã có một thời xa
Nhưng chẳng lẽ người thứ ba phải khóc
Vì những bông tàn trong ký ức hai ta?

Đợi

Chờ em, em ngỡ đang ngàn dặm
Ngồi ngâm thơ đợi dưới trăng tà
Lòng như mai quý ngày xuân muộn
“Nụ đẫm sương mà không nở hoa”!

Tiễn người đi giữ Trường Sa

Người ơi, cầm đỡ khăn này
Một mai sương nắng đêm ngày Trường Sa
Một mai dưới gốc phong ba
Nhìn khăn bớt nỗi xa nhà xa em

Người ơi, chân cứng đá mềm
Người ơi, gánh nước non bền hai vai
Kìa nghe ai hát bên tai
“Đôi con loan phượng ăn ngoài bể Đông”

Người ơi, chín nhớ mười mong
Ai có nỡ lòng trách móc tình ai
Say mê yêu nước, người ơi
Sóng xanh cát trắng trùng khơi mặc lòng

Kệ ai núi Tản non Bồng
Mình em chỉ nhớ chỉ trông một người
Một người đang ở xa xôi
San hô phơi áo, nắng trời nhuộm da

Một người lấy đảo làm nhà
Nhớ ai, chỉ được từ xa nhớ về
Cắm chân trên đá mà thề
Đảo chưa vững mốc, chưa về cầm tay!

Người ơi nhận đỡ khăn này!

Một mình

Con đường nối giữa hai ta
Mình anh đi, hóa đường xa hai lần
Ngẩn ngơ quên tháng quên tuần
Lời yêu đương tắt âm thầm trên môi

Mình anh, chẳng thiết nói cười
Ngủ không trọn giấc, đứng ngồi không yên
Mình anh, duyên chẳng bén duyên
Không chờ, không đợi, ước nguyền cũng không

Miếng ngon ăn chẳng an lòng
Nhớ người như lửa bập bùng năm canh
Mình anh, nếu chỉ mình anh
Cây vườn dẫu thực cũng thành ra không

Cồn cào nóng giữa ngày đông
Lại âm thầm lạnh ngay trong tháng hè
Nghe ai? Ai nói mà nghe?
Đầu bù, tóc rối, đi về đăm chiêu!

Lạ lùng thay chuyện tình yêu
Kê cho sát, lại đặt điều cho xa!
Một mình, như áo một tà
Như người đi bộ đánh đà một tay

Một mình, như guốc mất quai
Như câu lục bát gieo sai cả vần
Đường bằng, chân vấp vào chân
Cửa quen, ngưỡng thấp, bao lần xuýt xoa...

Bao nhiêu tội nạn người ta
Chừa cho cái tội này ra - một mình!

Đêm thu, dắt cháu vào phố cũ

(Thân yêu tặng Mũm - cháu ngoại đầu)

Dắt Mũm chơi hè phố xưa
Đèn đường xua tan sương mờ
Sáng rực trên nền lá biếc
Một chiếc lá bàng vàng mơ
Vàng mơ trỏ về Cuối thu
Cuối thu là nơi ông ở
Chỉ vì theo cháu bi bô
Mà đêm, ông còn ra phố
Cháu đòi. Ông tìm mọi cách
Lấy cho bằng được lá vàng
Lá cầm tay rồi, cháu hỏi
Trả lời, dễ phải ngàn trang
*
- Ông ơi! Lá vàng tên gì?
- Lá vàng tên là Hữu hạn!
- Ông ơi! Hữu hạn là gì?
- Nghĩa là Rồi xa muôn dặm!
- Ông ơi! Muôn dặm là gì?
- Ấy là Ra ngoài tầm mắt!
- Ra ngoài tầm mắt là gì?
- Là đã Hình xa bóng khuất!

- Hình xa bóng khuất là gì?
- Là Cuối trời hay Lòng đất!
- Cuối trời, Lòng đất là gì?
- Là Cháu không còn ông dắt!
- Sao cháu lại không còn ông?
...
- Kìa! Khéo lá vàng bay mất!

Môi dịu dàng, Ta gọi Bắc Giang thu

(Kính tặng hương hồn Cụ Đề Thám
và hương hồn những nghĩa quân Yên Thế)

Sông Lục Nam mềm xanh
Thành Nhã Nam rắn rỏi
Rừng Lục Ngạn không biết đâu là cuối
Bắc Giang thu, nắng trải đón chân người.
Đồng nhỏ trong thung, mảnh ruộng chân đồi
Màu no ấm tràn về tận cửa
Sông Thương đục, sông Thương trong muôn thuở
Gió rải đồng trong tiết hanh heo
Trung du thơm như khay mật ong chiều
Đến sỏi đá cầm lòng còn chẳng được
Ai hát khúc núi đồi thuở trước
Dẫu không đò, ta cũng phải sang ngang.
Vạt lúa chín Phồn Xương như dải khăn vàng
Buông thơm thắm bên ngực trần sơn nữ
Quân Đề Thám vẫn đang ngồi đâu đó
Dưới bóng rừng, bên hồ rượu mùa thu
Tay đã buông gươm súng tự bao giờ
Rượu men lá, lòng son tày nhật nguyệt
Ta thong thả vén tay tìm nhập cuộc
Bát rượu đầu, xin cạn với non sông
Non sông đau, hào kiệt chẳng cam lòng
Trời không tựa, anh hùng đành ôm hận
Thân về đất, tim hồng thành ngọc nát
Thành hoàng hôn thắm đỏ đất trời thiêng
Đất trời thiêng thơm danh tiếng hùm thiêng
Tượng Đề Thám sừng sững trời Yên Thế
Người khởi nghĩa, áo mang màu đất mẹ
Đầu quấn khăn vồ, râu cọp phất phơ bay
Xin cạn với riêng ông bát rượu thứ hai này
Giặc đã chạy, quốc thù xưa đã báo
Quanh đồn luỹ, đá như nồi như đấu
Ngổn ngang nằm trong sắc cỏ mùa thu
Không phải đá đâu. Đó là những câu thề
Đã hoá thạch: “Quyết không làm nô lệ!”
Lời thề đá, xưa xây thành đắp luỹ
Vẫn nguyên lành dù luỹ vỡ thành tan
Vẫn nguyên sinh trong cỏ nội hoa ngàn
Rồi sẽ lại gầm lên khi giặc đến
Bao trượng nghĩa mới nên bờ nên bến
Bát rượu thứ ba này, xin cạn với ba quân
Nắng nhuộm vàng cây, lúa trải đỏ đồng
Thu thắng trận, thu hoà đàm, thu thất thế
Thu chết tướng, thu tan quân, thu yên nghỉ
Thu lộng lẫy, thu hào hùng, thu giản dị
Chuốc rượu dưới quân kỳ, bao cung bậc thu qua.
Chuông thu không, rừng động dưới trăng già
Tiếng trống trận, tiếng tù và đã tắt
Nhưng tiếng hát thì không bao giờ hết
Tiếng hát giữa lòng người, tiếng hát giữa non sông
Rằng, “Muôn năm dòng máu anh hùng!”
Rằng, “Vạn tuế giống dòng hào kiệt!”
Thời gian trôi, thời gian trôi mải miết
Dạ ngọc gan vàng chói lọi giữa thiên thu.
Rượu Bắc Giang sóng sánh dưới trăng mờ
Bát này nữa, rồi xa miền cổ tích
Nữa! Nữa! Nữa!... Rồi mỗi khi ấm lạnh
Môi dịu dàng, ta gọi: “Bắc Giang thu!”.

Thu, nhớ Quang Dũng

Sách cũ lâu ngày mờ nét chữ
Lối cũ càng đi càng nhớ người
Trấn thủ ôm thân đoàn vệ quốc
Sương vương nương tây lòng xa xôi
Mường Hịch, Sài Khao cùng Hát Lót
Ai đi, lau xám vờn lưng trời
Sông Mã gầm lên độc hành khúc
Còn dòng thi sĩ còn khơi vơi
Thơ ứa mỗi lời như máu ứa
Quê hương mờ mịt sau lưng người
Này cọp, này em, này khúc khuỷu
Cồn mây ngày ấy ở đâu rồi?
Độc mộc trông hoài sao chẳng thấy
Mỹ nhân, thi sĩ phận như vôi
Sốt rét chân rừng, run tựa lá
Hãn huyết pha sương thảo mấy lời
Đồng đội đọc xong cười xung trận
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi
Áo bào thay chiếu ai về đất
Mực sót đôi câu tạ trước người!
Thơ phú bây giờ như chợ chữ
Nhạt tình, nhạt huyết, nhạt mồ hôi
Bìa cứng, giấy thơm ngồi bảnh chọe
Chữ nghĩa ông xưa tựa núi đồi
Phủ Quốc, Sài Sơn, đồng Bương Cấn
Những mắt Sơn Tây mở dưới trời
Thu cũ vàng trong mùa lúa mới
Lúa mới vàng trong thu cũ rơi.

Thu, nhớ Lưu Trọng Lư

“Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?”
Người làm thơ, từ lâu
Đã không cần giấy mực!
“Em không nghe mùa thu
Lá thu kêu xào xạc?”
Người làm thơ, từ lâu
Lá vàng là thân xác!
Em không nghe mùa thu
Dù ta còn hay thác
Gió thu vẫn qua rừng
Kêu những chiều diệp lạc.

Về nhà Bác ở làng Sen

Có một cái gì nhẹ nhõm đến trong ta
Sau cánh cổng khép hờ tre trúc ấy
Thế này thôi mà thành huyền thoại
Chiều nghiêng. Ráng đỏ. Động rèm.

Bao nhiêu người đã yêu làng Sen
Nhà Bác đó, dựng trên nền đất cũ
Không có nỗi cô đơn của ngôi nhà vắng chủ
Bước hành hương gió thổi dọc miền Trung

Như thấy lại Người thời thơ ấu xa xăm
Đêm mất nước trẻ con không ngủ nổi
Bên võng, mẫu thân ngồi dệt vải
Đọc thơ, thân phụ thức bên song

Mẹ chưa biết vải đêm nay mẹ dệt
Có một ngày Người phát để may cờ
Những điều ước bị cuộc đời săn đuổi
Mẹ vỗ vào những tiếng thoi đưa

Cha chưa biết thơ đêm nay cha thắp
Toả sáng rồi còn để lại tàn tro
Chưa biết mai sau thơ Người làm nên lửa
Thứ lửa cháy rồi, thì để lại Tự Do

Huyền thoại mà sao thân thiết lạ
Ổi chín treo vàng bên lối đi
Ba gian nhà lá trong bóng lá
Cánh võng đay chùng một nét quê

Sông suối dẫu rằng xa cách mấy
Ai muốn về nhà, xin đến đây!

Thu sang

Bờ sông đã tiếng ai chặt mía
Hay nhớ nên người bớt xa xôi
Nắng cũ còn trên da tay đấy
Đã nghe ram ráp ở đầu môi

Đêm đã dài thêm, ngày ngắn lại
Em sẽ nhiều lần quét ngõ hơn
Mùa hạ lặn vào trong vỏ trấu
Dễ gì giấc ngủ chịu qua đêm!

Ngỡ cứ dang tay là bay được
Dáng nào như cũng mảnh mai hơn
Người đưa thư rẽ sang ngõ khác
Để người có lỗi với kim đan

Lời Mị Châu

Đêm khuya. Gió bấc. Mưa phùn. Chợt một người con gái đến bên đầu giường tôi, khóc, rồi than rằng:
- Sao các nhà thơ ta bất công thế này!

- Chúng tôi đã làm gì mà em bảo chúng tôi bất công? - Tôi hỏi lại.

- Thì đấy, mấy trăm năm nay, các anh chỉ một mực khóc thương Vương Thuý Kiều. Lại còn đồng thanh bảo rằng, đó là một người đàn bà khổ nhất giời Nam.

- Nàng ấy không khổ thì còn ai khổ nữa?

- Sao lại nói thế được? Nàng ấy yêu và được yêu, được hẹn thề: Tóc mây một món dao vàng chia đôi. Bán mình chuộc cha là tự nguyện. Mười lăm năm lưu lạc cũng còn được nương bóng vua Từ Hải, được nhờ túi phong lưu của chàng Thúc. Sau lại được tái hồi Kim Trọng: Hoa tàn mà lại thêm tươi - Trăng tàn mà lại hơn mười lần xưa. Thân thì thế, danh thì ông Tiên Điền bênh cho: Chữ trinh kia cũng có ba, bảy đường; Rằng nàng lấy hiếu làm trinh. Thế là thân, danh đều vẹn. Nàng ấy khổ sao bằng em được.

Tôi giật mình vội hỏi:
- Thế chuyện của em ra sao?

- Em bị gả cho thằng gián điệp! Quay đi quay lại chưa hiểu ra sao thì bị chém đầu. Mà người chém, trời ơi, lại là cha mình!

Nói rồi cứ khóc mãi không thôi, trong nước mắt hình như có máu.

Tôi nhìn kỹ, đó là một nàng chừng tuổi trăng tròn, mặt hoa da phấn, cốt cách lá ngọc cành vàng, trên mình khoác chiếc áo lông ngỗng. Chợt hiểu, tôi bảo:
- Ra em là Mị Châu đấy ư? Đúng rồi, em mới là người đàn bà khổ nhất giời Nam!

Nàng ấy nghe, nét mặt có vui lên một chút.

Khi tỉnh hẳn, chỉ còn mình tôi trong phòng. Trên bàn viết có mấy lông ngỗng trắng tinh. Lấy làm lạ, tôi cầm một chiếc lông ngỗng làm bút, viết bài thơ này tạ lỗi Mị Châu:

Cha ơi! Cha chọn rể
Cha đắp luỹ xây thành
Mà sao khi nước mất
Cha xử con tội hình?

Thần rùa biết cơ giời
Cớ sao còn tặng nỏ?
Sao nỡ trỏ vào em:
- Giặc đằng sau vua đó!

Chàng đã phụ đời ta
Từ khi chưa gặp mặt
Chuyện tình thành Cổ Loa
Đau trước ngày thứ nhất!

Sống cũng chẳng được nào:
Nước mất! Tình cũng mất!
Nhưng chết dưới gươm cha
Thì ngàn năm oan nghiệt!

Nỗi oan này hoá ngọc
Dưới chín tầng bể sâu
Thần với người đâu cả
Bao giờ thì biết yêu?

Cát bụi nào nghìn tuổi ngẩn ngơ bay

Đêm xa em
Anh toàn mơ về cỏ
Đêm em xa
Gió mềm như lụa
Cỏ lại về trong giấc mơ anh

Cỏ miền em tươi mát
Cỏ miền em thơm lành
Em là gió của miền tươi tốt ấy
Đêm hoang trải như đời anh vậy
Cát bụi nào nghìn tuổi ngẩn ngơ bay?

Đêm hoang
Không bóng một hàng cây
Nghe gió hát biết bao lời thương nhớ
Lời của gió chứa chan hồn cỏ
Cát bụi nào nghìn tuổi ngẩn ngơ bay?

Giời như nhung mịn màng sau mây
Anh mơ thấy mình ngủ vùi trong cỏ
Tình em trải dọc đời anh chan chứa
Cát bụi nào nghìn tuổi ngẩn ngơ bay?

Chia tay

Chúng mình gặp nhau trong chiến đấu
Cũng vì chiến đấu lại xa nhau
Biên giới mùa mưa nhiều thác lũ
Bạn đi, tôi tiễn đến bên cầu

Sẻ thêm cho bạn mươi viên đạn
Ở đấy hẳn cần hơn tuyến sau
Khi gần, mới chỉ gần bên cạnh
Xa rồi, vào ở hẳn trong nhau.

Gửi Tây Thi

Đằng nào thì cũng không ngủ được
Xin cùng em khuya khoắt chuyện trò
Liễu Tây Tử cựa mình trong bóng tối
Tiếng đàn em vọng lại tự xa mờ

Như từ em, như chẳng phải từ em
Nguyệt cầm thực hay là không có thực?
Ở đâu nhỉ, một bầu trăng vàng rực
Tôi cùng em làm hai sợi tơ đàn?

Chợt thấy những giọt đàn rơi bên gối
Nguyệt cầm ơi! Em đến tự phương nào?
Sao tôi gọi mà em thì chẳng nói?
Mỗi giọt đàn đều lấp lánh thương đau!

Tôi ước được cùng em dong thuyền cỏ
Cùng giã từ gió thuận với mưa hoà
Gọi Phạm Lãi, Phù Sai, Câu Tiễn
Nâng chén bàn về gươm với thi ca.

Bài ca tuổi bẩy mấy

Tiêm vắc xin về, đau khắp người
Thì đau! Cũng bẩy mấy Xuân rồi
Sấp ngửa ba canh không ngủ được
Thôi đành phải tự cứu mình thôi
Trở dậy tìm những thư tình cũ
Còn đang giữ được bao năm giời
Không đọc, trải ra, nằm lên chốc
Xem còn đau đớn nữa hay thôi
Đêm ấy, dưới người toàn những người
Không ai nhường ai lấy một nhời
Kẻ đấm, người xoa, người chì chiết
Người che, người đỡ, người nằm chơi
Thế mà sau đúng một canh rưỡi
Không còn chỗ nào đau mới tài
Như chửa tiêm gì vào thân thể
Người lại như người ngày đôi mươi
Cũng tưởng thế là xong mọi việc
Đầu, mình, chân tay ngon quá rồi
Nào có ai ngờ sau buổi ấy
Tim lại đau về ngày xa xôi!

Chị tôi

(Kính tặng chị Sa, vợ liệt sĩ Đỗ Trung Cẩn)

Anh tôi đi mãi không về
Không ai giải được lời thề chị tôi
Chị tôi giờ hết duyên rồi
Bao năm chỉ thấy gió giời trên cao
Bao năm chỉ những ra vào
Bao năm sáo chả lần nào sang sông
Đợi anh chẳng thấy vân mồng
Thôi còn biết gửi tơ lòng vào ai
Khi trăng lặn, lúc sương mai
Một mình một ngõ lấy ai chuyện trò
Vàng xanh như cỏ đầu bờ
Cỏ còn đợi nước, chị chờ gì đâu
Sông sâu mà giếng cũng sâu
Cau già đã đốn, giàn trầu đã khô
Rèm thưa, trúc sót đong đưa
Trúc rơi từng đốt người chưa gặp người
Chị tôi giờ hết duyên rồi
Gốc hồng cũng chả được ngồi hái hoa
Năm đi qua tháng đi qua
Chị trôi trong ấy như là trong mơ
Đời người thế cũng xong ư?
Đầu xanh mà cũng ba thu một ngày
Nói chi đến chuyện hao gầy
Chị tôi đã chết từ ngày anh đi!

Vậy là các bạn vừa được tìm hiểu về tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Đỗ Trung Lai cùng tuyển tập thơ Đỗ Trung Lai hay nhất độc giả đón đợi. Hi vọng, sau khi chia sẻ cùng bài viết bạn có thêm nhiều trải nghiệm khó quên. Cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng bài viết. Hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết sau !

>>>ĐỪNG BỎ LỠ: Tuyển tập thơ Anh Thơ, thơ tình Anh Thơ "sống" mãi với thời gian

Lê Hằng

Bạn có hài lòng bài viết này?

SẢN PHẨM LIÊN QUAN
BÀI VIẾT LIÊN QUAN